Một đất nước muốn thực sự phát triển và mang lại hạnh phúc thực sự cho người dân thì cần được điều hành bởi một nhà lãnh đạo đầy đủ từ bi và trí tuệ, có năng lực định hướng và quản lý đất nước để mang lại cho người dân sự an lạc, giải thoát và giác ngộ theo lý tưởng của Phật giáo. Bộ luật căn bản từ thời lập quốc Bhutan trên nền tảng Phật giáo đã ghi rõ, “người đứng đầu nhà nước phải là một vị Bồ tát, tức là một nhà lãnh đạo phải đầy đủ tâm từ bi và trí tuệ.”
Năm 1987 đức vua đời thứ IV của vương quốc Bhutan đã trả lời phỏng vấn tạp chí Finacial Times rằng, chính sách của vương quốc hướng tới Tổng Hạnh phúc Quốc gia (GNH) hơn Tổng sản phẩm quốc dân (GDP): Chúng tôi tin tưởng có thể hướng tới mục tiêu mang lại hạnh phúc và niềm an lạc cho người dân. Dù chúng tôi có mất 5 năm hay 10 năm để tăng thu nhập và tăng trưởng thì cũng chưa chắc đảm bảo được hạnh phúc, bao gồm sự ổn định chính trị, hòa hợp xã hội cũng như văn hóa và lối sống người Bhutan.
Tư tưởng này thể hiện rõ triết lý phát triển của vương quốc Bhutan, dựa trên nền tảng của giáo lý Phật giáo, hướng tới lấy hạnh phúc và niềm an lạc của người dân làm mục đích. Có bốn trụ cột trong chỉ số GNH: tăng trưởng kinh tế, bảo tồn văn hóa, bảo vệ sinh thái và quản trị. Chính phủ Bhutan đã cụ thể hóa bốn trụ cột thành 9 lĩnh vực bao gồm: mức sống, quản trị, sử dụng và cân bằng thời gian, ổn định cộng đồng, đa dạng văn hóa, đa dạng sinh thái, sức khỏe thể chất của người dân, giáo dục và các giá trị tinh thần. Chỉ số GNH được Liên Hiệp Quốc và nhiều nước phát triển đặc biệt coi trọng và coi là một trong những mẫu hình phát triển đặc biệt trên toàn cầu ở thiên niên kỷ mới. Trên thực tế, triết lý GNH bắt nguồn phần lớn từ những tư tưởng Phật giáo và đã được hình thành ngay từ thời điểm lập quốc.
Từ năm 1616 tới 1651, ngài Shabdrung, một tăng sĩ đứng đầu tự viện Ralung tại Tây Tạng, đã hợp nhất các vùng miền và thiết lập nên vương quốc Bhutan. Ngài đã thiết lập nên hệ thống chính phủ lưỡng quyền để quản lý đất nước, theo đó các vấn đề thuộc lĩnh vực thế tục sẽ dưới sự điều hành bởi một Tể tướng (Druk Desi); lĩnh vực tâm linh được điều hành bởi một pháp chủ (Je Khenpo). Ngài Shabdrung là một tăng sĩ, đảm nhận vai trò lãnh đạo chung cả tâm linh và thế tục. Một kỷ nguyên mới của vương quốc đã bắt đầu. Phật giáo trở thành tôn giáo nhà nước và trở thành nền tảng cho toàn bộ các lĩnh vực đời sống tinh thần của đất nước như lịch sử, chính trị, văn hóa, đạo đức và luật pháp.
Một hệ thống các Dzong được xây dựng. Đây là cơ quan quản lý vương triều, trung tâm quân sự đồng thời cũng là nơi cư trú và thực hành tâm linh của chư tăng. Sự thiết lập các Dzong giúp ngài Shabdrung củng cố và thống nhất các quyền lực về cả phương diện tâm linh và thế tục tại vương quốc lúc bấy giờ. Dzong cũng giữ chức năng là những thành trì quân sự trọng yếu để chống lại sự xâm lược của các thế lực bên ngoài.
Để quản lý đất nước, ngài Shabdrung đã soạn thảo và ban bố khắp toàn vương quốc bộ luật đầu tiên (có tên là Nga Chudruma) vào năm 1619 và được chỉnh sửa một số nội dung (lấy tên là Tsa Yig Chenmo) vào năm 1629. Dựa trên triết lý Phật giáo và những điều luật quản trị tự viện Ralung, bộ luật Tsa Yig Chenmo được ban bố điều chỉnh một loạt các vấn đề trong cả phạm vi lĩnh vực tâm linh và thế tục.
Bộ luật Tsa Yig Chenmo và triết lý về phẩm chất của nhà cầm quyền
Tsa Yig Chenmo bao gồm những quy định cụ thể quản lý đất nước dựa trên triết lý và giới luật Phật giáo. Theo đó, một đất nước muốn thực sự phát triển và mang lại hạnh phúc thực sự cho người dân thì cần được điều hành bởi một nhà lãnh đạo đầy đủ từ bi và trí tuệ, có năng lực định hướng và quản lý đất nước để mang lại cho người dân sự an lạc, giải thoát và giác ngộ theo lý tưởng của Phật giáo. Bộ luật ghi rõ, “người đứng đầu nhà nước phải là một vị Bồ tát, tức là một nhà lãnh đạo phải đầy đủ tâm từ bi và trí tuệ.” (1)
Tsa Yig Chenmo viết tiếp: Đức Phật đã dạy “Một vị vua, nếu biết tôn kính giáo pháp sẽ tìm thấy được hạnh phúc trong đời hiện tại và những đời tương lai. Người dân sẽ làm theo như những gì nhà vua quyết định, và bởi vậy nhà vua phải là người chính trực và luôn nỗ lực nuôi dưỡng phẩm chất thiện lành này.”
Tư tưởng này như một sợi chỉ xuyên suốt định hướng phẩm chất của nhà cầm quyền ở Bhutan giai đoạn lập quốc, một nhà lãnh đạo đất nước phải có những phẩm chất chính trực giống như một Phật tử thuần thành, biết hướng toàn bộ người dân theo lý tưởng giải thoát và giác ngộ.
Tsa Yig Chenmo đã nêu lên ba trách nhiệm chính của một nhà cầm quyền, trước hết là đảm bảo mọi người dân đều biết tri túc và được an lạc; thứ hai, đảm bảo mọi tầng lớp từ quan lại, tới dân thường đều phải tôn trọng pháp luật và thực thi pháp luật một cách công bằng, và cuối cùng, một nhà cầm quyền phải biết phát huy vai trò của Phật giáo trong đời sống chính trị-xã hội trên toàn vương quốc. “Nếu một nhà cầm quyền giành trọn tâm sức của mình quản lý xã hội một cách bình đẳng và không thiên vị thì họ chắc chắn sẽ mang lại cho tất thảy người dân niềm an lạc mỗi ngày.”
Tsa Yig Chenmo viết rằng, bổn phận chính của một nhà cầm quyền là đảm bảo phúc lợi cho người dân. Muốn như vậy họ phải sát sao với những điều kiện sống của người dân, để xem người dân đang hạnh phúc hay bất an, đang vừa lòng hay bất mãn. Bộ luật cũng viết rằng, nếu người dân không được hạnh phúc và bình an thì trách nhiệm của nhà cầm quyền là phải đảm bảo cho họ phải có được hạnh phúc. Nhà cầm quyền phải nỗ lực hết mình, tạo ra một môi trường thuận lợi để người dân theo đuổi hạnh phúc. “Nếu những nhà lãnh đạo, những người đang đảm nhận trọng trách mang lại hạnh phúc cho người dân, mà lại xao lãng bổn phận của mình, thì đâu là sự khác biệt giữa họ với loài quỷ dữ?” (2)
Coi trọng quản lý đất nước bằng pháp luật
Theo Chaying Chenmo, nền tảng của một vương triều tốt nằm ở tính công bằng. Với việc thiết lập các bộ luật và thực thi sự công bằng sẽ mang lại an bình, an ninh cho cả nhà cầm quyền và người dân. Khi sự thịnh vượng của quốc gia nói chung phụ thuộc vào rất nhiều vào nhà cầm quyền thì hệ thống quan lại địa phương cũng có trách nhiệm rất lớn trong việc mang lại phúc lợi cho người dân sống trong khu vực của mình. Vai trò của quan lại địa phương, người đứng đầu các thôn được xem là khuyến khích sự hòa hợp xã hội và cho phép cộng đồng duy trì sự kiểm soát đối với các vấn đề chung của địa phương. Vị trí của quan lại địa phương và người đứng đầu các thôn phần lớn đều dựa vào sự đề cử dân làng và các thành viên. Tăng sĩ-học giả Longchem Rabjam thế kỷ 14 đã mô tả công việc của người đứng đầu các thôn nhất là trọng trách hòa giải các xung đột ở các thôn làng là một hành động đức hạnh.
Trong giai đoạn mà ngài Zhabdrung cầm quyền ở thế kỷ 17, khi một ai mắc tội ở trong một khu vực, thôn trưởng sẽ báo cáo lên Dzong, là cơ quan công quyền ở địa phương. Người đứng đầu Dzong sẽ gửi quan phụ trách tới khu vực để điều tra, cùng với thôn trưởng, họ sẽ thực thi sự công bằng và nghiêm minh của pháp luật. Theo Zhabdrung, người dân sẽ biết hài lòng và có niềm tin vào hệ thống quan lại và luật pháp khi những phiên xét xử được tiến hành mà không bị những định kiến chi phối.
Trách nhiệm thứ ba của nhà cầm quyền là duy trì tầm ảnh hưởng của Phật giáo trong đời sống chính trị - xã hội. Bởi vì nhà lãnh đạo là người thực hành giáo pháp của đức Phật, là hiện thân sống động khi đang thực hành các hạnh Bồ tát, cho nên họ luôn phải biết nuôi dưỡng những đức tính thiện lương và trí tuệ. Các điều luật khuyến khích một nhà lãnh đạo tôn trọng và thực hành hướng tới10 phẩm hạnh của đức Phật và sáu công hạnh Ba-la-mật. Các phẩm hạnh này chủ yếu bao gồm sự rèn luyện nghiêm ngặt của tâm thức, nuôi dưỡng bi-trí-dũng.
Bộ luật được soạn thảo dựa trên triết lý của Phật giáo, cho nên ta không thấy những tư tưởng vị kỷ chỉ phục vụ cho lợi ích của tầng lớp cầm quyền, mà những tư tưởng trong bộ luật đều nhằm hướng tới lợi lạc cho người dân trên khắp vùng miền của vương quốc. Ngoài ra, bộ luật còn giành những chương mục riêng quy định mục đích tồn tại của vương quốc là để trì giữ, bảo vệ và truyền bá giáo pháp của đức Phật, giúp Tăng đoàn trì giữ giới luật và tạo nền tảng đưa giáo pháp ứng dụng vào trong đời sống chính trị-xã hội. Một khi giới luật bị suy đồi thì vùng đất sẽ tràn đầy những kẻ phá bỏ lời thệ nguyện. Khi ấy những nhân lành mang lại hạnh phúc cho người dân sẽ bị phá bỏ. Một điều luật đã ghi rõ, “những ai lăng mạ người thực hành giáo pháp sẽ bị trừng trị nghiêm khắc”, thậm chí “họ chắc chắn sẽ bị trừng trị nghiêm khắc tại chính điện của các Hộ pháp phẫn nộ.” Mặt khác những người thực hành nghiêm cẩn theo điều luật sẽ được ban thưởng. Sự khích lệ này nhằm giúp thúc đẩy và lan tỏa những điều thiện lương trên khắp vương quốc cũng như tiềm năng từ bi-trí tuệ nơi mỗi người dân.
Để đảm bảo những nhà lãnh đạo thực thi những trách nhiệm trên, điều luật đã cảnh báo, “nếu họ lãng quên sự an lạc của người dân và không thể giám sát những người dưới quyền, hay nếu họ tự ý điều chỉnh, phá bỏ luật nhân quả và khoan dung cho các tinh thần quỷ ác mà không nỗ lực chỉnh sửa chúng thì làm sao các bậc Hộ pháp có thể hộ trì cho họ?” (3)
Mặc dù phần lớn các điều luật đều nhấn mạnh tới thực hành các giá trị đạo đức, đòi hỏi mỗi người phải biết tự thức tỉnh nhưng cũng đề cập tới những trừng phạt nghiêm khắc dù cho chỉ là các biện pháp sau cùng. Trong khi giải quyết các vấn đề thế tục, điều phục và chế ngự được những kẻ thô lỗ và ác độc bằng các phương tiện giáo dục và an bình là ưu tiên hàng đầu nhưng đôi khi cũng không thể không sử dụng các biện pháp mạnh. Khi phải đối mặt với những kẻ phạm pháp hay phạm tội ác, bổn phận của nhà cầm quyền là phải trừng phạt chúng một cách nghiêm khắc mà không được ủy mị thương xót. Đây chính là phương thức mà một vị vua đang trên ngai đảm bảo quyền lực của mình.
Sự thịnh vượng của người dân
Trong Tsa Yig Chenmo có điều luật nhắc nhở các nhà lãnh đạo rằng, hạnh phúc của quốc gia phụ thuộc vào việc thu thuế một cách công bằng và sử dụng thuế. Các điều luật nhắc nhở rõ ràng rằng, cần phải rất cẩn trọng để đảm bảo những người thu thuế phải công bằng. Họ không được thiên vị tới bất kỳ ai làm sai hay loại họ khỏi sự trừng phạt. Người thu thế không được lạm dụng vị trí của mình để trừng phạt bất kỳ ai.
Ngoài việc quy định vai trò của chính thể thế tục và tâm linh, phương thức quản lý đất nước và tiêu chuẩn của một nhà cầm quyền, bộ luật còn điều chỉnh mối quan hệ giữa cộng đồng tự viện, nhà nước, người dân, trong lĩnh vực luật pháp, xã hội và kinh tế. Mối quan hệ giữa các cộng đồng tự viện và cư sĩ trong việc ủng hộ về mặt vật chất của người dân và sự truyền trao giáo pháp, quán đỉnh và các nghi thức khác mang lại lợi ích tâm linh cho cộng đồng dân cư. Bộ luật cũng đưa ra tiêu chuẩn của các giá trị đạo đức xã hội và cá nhân trên khắp toàn vương quốc. Các bổn phận và đức hạnh này đều xuất phát từ giới luật Phật giáo và vẫn tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng các điều luật mới để quản trị đất nước ở thế kỷ này. Bộ luật Tsa Yig ngăn cấm 10 hành vi bất thiện, đặc biệt ngăn cấm hành vi sát nhân, tội ăn cướp và trộm cắp tài sản nhất là của các tự viện Phật giáo thì đều phải trả lại và bị trừng trị nghiêm khắc. Quy định phải trả gấp 80 lần trong trường hợp ăn cắp tài sản của vua, và trả gấp 8 lần trong trường hợp ăn cắp của người dân nói chung. Tội ngoại tình cũng bị phạt tiền rất cao và trừng trị nặng.
Tsa Yig cũng quy định 16 hành vi thiện lành trong xã hội. Quy định cũng đòi hỏi phải tôn trọng và chu toàn đạo làm con, biết tôn trọng người hơn tuổi. Con người phải biết tôn trọng lẫn nhau, tránh sự bất kính và dùng các biện pháp lừa gạt người khác. Hành động phạm pháp bị xử phạt rất nghiêm khắc.
Mười hành động thiện lành trong xã hội bao gồm: Không được sát sinh
Không được lấy những gì không thuộc về mình
Không được tà dâm
Không được nói dối; không được nói lời thô ác; không được nói lời vô nghĩa; không được nói lời thêu dệt; không được tham lam; không được ác tâm; không được có tà kiến.
Mười hành động thiện lành được chia thành 3 cấp độ; hành động bất thiện của thân, 4 hành động bất thiện của khẩu và 3 hành động bất thiện của tâm. Với việc từ bỏ các hành động bất thiện này, mỗi người sẽ ứng xử thuận theo con đường của đức Phật, qua đó có thể phát triển phương tiện để đạt tới hạnh phúc, an lạc và giải thoát, giác ngộ.
Mười sáu hành động thiện lành trong xã hội là: Không được giết hại hay trộm cắp; không được giữ các tà kiến; không được bất kính cha mẹ; không được bất kính với người hơn tuổi, các bậc trí tuệ và nhà lãnh đạo; không được nuôi dưỡng các tư tưởng xấu ác với bằng hữu và gia đình; không được từ bỏ việc giúp đỡ hàng xóm láng giềng; không được lừa đảo, phải luôn trung thực; không được noi theo các tấm gương xấu ác; không được tham lam, ích kỷ; không được khuyến khích các tư tưởng, ý nghĩ xấu ác tới người khác, không được lỡ việc trả nợ; không được lừa đảo người; không được có hành vi phân biệt người giàu với người nghèo, hay những người có địa vị cao hay thấp trong xã hội; không được lắng nghe các lời khuyên xấu ác; không được dối trá và không được sân giận và mất kiên nhẫn.
Trước khi được thành lập, vương quốc Bhutan bao gồm nhiều vùng tự trị khác nhau và Phật giáo đã được du nhập từ khoảng thế kỷ thứ 7. Đức Liên Hoa Sinh cùng nhiều thế hệ các tăng sĩ đã tới vùng đất này hoằng dương Phật pháp. Trong suốt nhiều thế kỷ, các ngài đã sử dụng Phật pháp như một công cụ để cảm hóa và làm an bình vùng đất cũng như con người nơi đây. Tuy nhiên vương quốc Bhutan những ngày ấy không phải là một nơi “thơ mộng” như nhiều người ngày nay tưởng tượng. Theo nhiều thư tịch của các tăng sĩ để lại, các ngài đều thấy nơi đây rất khắc nghiệt, người dân đa số mù chữ, hung dữ và đầy nguy hiểm. Ngài Lorepa, một trong những tăng sĩ nổi tiếng đã tới Bumthang vào thế kỷ 13 đã mô tả người dân ở đây “hung tợn, hoang dã và bất thường. Người dân địa phương rất thích ăn thịt và săn thú rừng.” Một bức tranh sinh động về những thời kỳ hỗn loạn tại các vùng phía tây Bhutan trước khi thời đại của ngài Zhabdrung đã được mô tả như sau: “Đúng như một câu ngạn ngữ đã nói, cá lớn ăn thịt cá bé, những con người hung ác đã không ngừng tranh đấu, giết hại lẫn nhau. Những người hộ tống cần phải đi cùng từ làng trên tới làng thấp. Người giàu cướp bóc tài sản, nhà cửa của kẻ nghèo khó, và ép buộc họ phải phục vụ, hầu hạ cho mình. Những gia tộc lớn tranh đấu, làm hại lẫn nhau và chiến tranh liên miên. Nhiều tăng sĩ bị mất cắp vào ban đêm, nhiều ẩn sĩ tu tập trong thất tu trên sơn động bị cướp tấn công, các biểu tượng, pháp khí Phật giáo bị phá hủy và bị đánh cắp làm đồ trang sức. Người dân chủ yếu thờ các thần hung nộ bản địa, họ cúng thịt, máu lên các vị thần linh ở đây. Tất cả điều này cho thấy vùng đất này trước khi trở thành vương quốc Bhutan đã trải qua thời gian dài hoang dại, nhiễm ô nặng nề bởi tam độc tham-sân-si.”(4)
Một trong những thành tựu lớn nhất của ngài Zhabdrung là ban hành một hệ thống văn bản pháp luật để điều hành và quản lý đất nước. Trước khi Tsa Yig Chenmo được soạn thảo và có hiệu lực, chưa từng có một bộ luật nào ở đất nước này. Mỗi vùng đều có những quy định, luật lệ riêng và có hệ thống tôn giáo, hay thực hành theo những dòng tu khác nhau. Chưa có một hệ giá trị và những lợi ích chung để gắn kết người dân. Bởi vậy khi bộ luật được đưa vào thực thi, nó trở thành điều luật chung điều chỉnh mọi quan hệ xã hội và chính trị của vương quốc này. Sự thành tựu này cũng giải thích cho lý do tới nay ngài Zhabdrung vẫn luôn giành được sự kính trọng của người dân và được tôn kính là “hiện thân của Bồ tát Quán Thế âm”, vị Bồ tát của tâm từ bi vô lượng.
Trong bộ tiểu sử về vùng Tsang, Khenchen đã viết: “Ngài Zhabdrung đã cấm mọi hình thức cướp bóc, trộm cắp và các hành vi bạo lực, ác xấu như bất kính, thiếu bi tâm, không trân trọng và quan tâm, làm tổn hại tới người khác. Toàn bộ đất nước trở nên an bình, thịnh vượng; giống như một kỷ nguyên vàng rực rỡ tràn đầy những phẩm hạnh cao quý.”(5)
Mặc dù nhiều điều luật được chỉnh sửa đôi lần qua nhiều thế kỷ nhưng toàn bộ khung hệ thống luật pháp của vương quốc Bhutan ngày nay vẫn tiếp tục dựa trên triết lý và điều luật Tsa Yig Chenmo được soạn thảo ngay từ thời lập quốc bởi ngài Zhabdrung. Một nhà cầm quyền đầy đủ từ bi, trí tuệ, biết điều phục dòng tâm, hướng tới phụng sự toàn vẹn người dân và đất nước theo lý tưởng Bồ tát đạo vẫn tiếp tục là phẩm hạnh cao quý mà bất kỳ thế hệ lãnh đạo nào từ đức vua tới hệ thống các quan lại luôn tự thân trì giữ. Ý thức về giá trị đạo đức của con người, những cam kết và nguyện lực yêu thương, tôn trọng giữa người với người, con người với tự nhiên, động vật vẫn tiếp tục là trung tâm trong các giá trị văn hóa, lối sống của người Bhutan qua nhiều thế kỷ.
BBT Minh Triết Phương Đông (tổng hợp)
Nguồn tổng hợp: Tạp chí Nghiên cứu Phật giáo số tháng 09.| Thư Viện Hoa Sen
1.Tsa Yig Chenmo, English Translation, Sikkim and Bhutan: Twenty-one Years on the Northeast Frontier, 1887-1908, 1909, translated by John White, p.02
2. Tsa Yig Chenmo, English Translation, Sikkim and Bhutan: Twenty-one Years on the Northeast Frontier, 1887-1908, 1909, translated by John White, p.02
3. Tsa Yig Chenmo, English Translation, Sikkim and Bhutan: Twenty-one Years on the Northeast Frontier, 1887-1908, 1909, translated by John White, p.02
4. Dorji., 2008. The Biography of Zhabdrung Ngawang Namgyal. Thimphu, Bhutan: KMT Publishing House, p.125.
5. Gulati., 2003. Rediscovering Bhutan. New Delhi: Manas Publications, p.165.