Phương Đông Huyền Bí
Học Thuyết Âm Dương Ngũ Hành

I. Học thuyết Âm dương

Âm Dương là một cặp phạm trù mang tính triết học trong một thể mâu thuẫn nhưng thống nhất giữa các mặt đối lập thông qua nhận thức. Sự nhận thức này là tư tưởng áp đặt của con người nhưng phù hợp với tính quy luật của tự nhiên. Đối tượng nhận thức này nó phải cụ thể. Âm Dương chỉ hình thành khi yếu tố chủ thể đó đã được xác định về mặt đồng đẳng là như nhau trong việc nhận thức, qua 2 cách nhìn nhận: 1, là hệ quy chiếu giữa nó và 1 đối tượng khác, đồng đẳng với nhau về mặt nhận thức mà mang tính đối lập; 2, là hệ quy chiếu nội hàm giữa bản thân nó tự hình thành nên hai mặt đối lập nhau. Thế nào là đối lập ? Khi muốn xác định được tính đối lập của nó thì chúng ta phải đưa ra những tiêu chí, từng đặc tính sự vật trong giới vũ trụ quan mang tính đối lập. Cách nhìn sự vật trong giới vũ trụ quan này có bao nhiêu đặc tính thì đối với mỗi đối tượng cụ thể đó, số lượng tính chất có thể là 1, 2, 3 hoặc là vô cùng. Và dù rằng Âm Dương là đầu mối của sự vật, mọi vật do cả Âm lẫn Dương hình thành, Âm Dương luôn đi cùng nhau, gắn liền và không rời nhau, nếu tách rời nhau thì không còn là Âm Dương nữa, khi đó chỉ là Thái Cực. Nhưng để tiện người ta phân biệt sự vật xem cái nào thuộc Âm và cái nào thuộc Dương thì dưới góc độ nhận thức có thể hiểu Âm Dương có đặc tính như sau:

-         Âm có một số đặc tính cơ bản là: Chủ về ở phía dưới, ở bên trong, tĩnh, lạnh, tối, phần ít, phần kém, phần nhỏ, phần đục, phần nặng chìm xuống, phần mềm, đóng, giáng, có xu hướng tích tụ …

-         Dương có một số đặc tính cơ bản là: Chủ về ở bên trên, ở bên ngoài, động, nóng, sáng, phần nhiều, phần lớn, phần cương, phần nhẹ nổi lên trên, phần cứng, mở, thăng, có xu hướng phân tán ...

Bảng - Đặc tính âm dương của sự vật

Sự vật

Âm

Dương

Trời đất

Đất

Trời

Nam nữ

Nữ

Nam

Quân tử, tiểu nhân

Tiểu nhân

Quân tử

Hỏa thủy

Thủy

Hỏa

Ngày đêm

Đêm

Ngày

Bốn mùa

Thu, Đông

Xuân, Hạ

Ngũ vị

Chua, mặn, đắng

Cay, ngọt, đạm (lạt)

Thiên can

Ất, Đinh, Kỷ, Tân, Quý

Giáp, Bính, Mậu, Canh, Nhâm

Địa chi

Sửu, Mão, Tị, Mùi, Dậu, Hợi

Tý, Dần, Thìn, Ngọ,Thân, Tuất

Số

Chẵn

Lẻ

v.v...

v.v...

v.v...

Về tính tình:

-         Dương: Bất khuất, nóng nảy, vui vẻ, bướng bỉnh, ngang ngược, quang minh chính đại, khảng khái, hào hiệp, có lòng từ thiện, ít suy xét, giữ vững lập trường, quyết định mau chóng, làm cái gì cũng hay quá đáng.

-         Âm: Chiụ đựng, mềm mỏng, lo sầu, nhịn nhục, nhút nhát, tiểu nhân, dối trá, nhỏ nhen, a dua, nịnh hót, trục lợi, thích an nhàn, hay nghĩ ngợi, không có định kiến, thay đổi ý kiến luôn, quyết định chậm chạp, làm cái gì cũng rụt rè sợ hãi.

-         Âm dương phối hợp điều hoà: Quân tử, thuần hậu, cư xử đứng đắn, hành động cân nhắc điều hoà.

Như vậy nhìn trong một đối tượng cụ thể và đặc tính của nó mà chúng ta có thể phân được các cặp mang tính đối lập nhau và quy tính Âm Dương cho nó.

Trong thực tế, phạm trù Triết học này nó được hình thành ở phương Đông và cho rằng như sau: Bất kì vật chất chưa hình thành thì nó được ký hiệu là khoảng không gian trống rỗng (Vô cực). Sau khi một khoảng thời gian từ chỗ hư vô (khoảng không giữa Vô cực và Thái cực, vẫn là hình trạng hỗn độn, không đã phân định Âm Dương), do vũ trụ chuyển động dồn ép, sẽ sinh ra một luồng năng lượng, là nguyên khí hỗn mang thửa sơ khai của vũ trụ. Cái khí này tích tụ lại quyện thành một khối, sẽ chia thành khí Dương và khí Âm: Nhất Dương, biểu tượng bằng một vạch liền đơn (——); Nhất Âm, biểu tượng bằng hai vạch đứt (— —).

Nơi phần khí Dương thì khí Dương đầy đặc, trong và sáng gọi là Thái dương. Nơi phần khí Âm thì khí Âm đầy đặc, đen và tối gọi là Thái âm. Vì lẽ Âm Dương biến hóa nên trong phần khí Dương thì Dương cực thịnh (Thái dương), khí Âm sẽ xuất hiện, mà phát sinh ra Thiếu âm, đó là “Dương cực nhất Âm sinh” biểu hiện bằng hình con cá trắng có chấm đen; Tức là Thiếu âm (chấm đen) sinh ra từ lòng Thái dương- ở phía Nam. Tương tự trong phần khí Âm thì Âm cực thịnh (Thái âm), khí Dương sẽ xuất hiện, mà phát sinh ra Thiếu dương, đó là “Âm cực nhất Dương sinh” biểu hiện bằng hình con cá đen có chấm trắng; Thiếu dương (chấm trắng) sinh ra từ lòng Thái âm- ở phía Bắc. Âm Dương đan xen nhau sinh ra bốn tượng: Thái âm, Thiếu dương, Thái dương, Thiếu âm. Và nhìn theo góc độ về phương vị thì lúc này Thái âm ở phía Bắc, Thiếu dương ở phía Tây (phải), Thái dương ở phía Nam, Thiếu âm ở phía Đông (trái). Và nó được biểu diễn bằng hình tròn chia đôi có 2 con cá đen trắng cuộn lấy nhau, tượng trưng cho Âm Dương liên hoàn, đó là Thái cực. Đường cong của thái cực chứa đựng quy luật biến hóa phát triển của sự vật, đồng thời cũng thể hiện quy luật lượng biến chất của sự vật.

Bốn tượng này lại lấy một vạch Dương chồng lên trên và lại lấy một vạch Âm chồng lên thì sẽ ra 8 quái, mỗi quái 3 hào như sau: Càn, Đoài, Ly, Chấn, Tốn, Khảm, Cấn, Khôn, tượng trưng tám loại vật chất cơ bản hình thành trên thế giới (trời, hồ ao, lửa, sấm sét gió, nước, núi đá). 8 quái này xếp theo hình tròn thì có thể biểu diễn đầy đủ hết tính Âm Dương và độ số của TTBQ. Và đây cũng chính là cơ sở hình thành Tiên thiên bát quái. Tám quái này lại tiếp tục chồng lên nhau, tạo thành 64 quẻ, mỗi quẻ trùng quái (kép) có 6 vạch, mỗi vạch là một hào.

Như vậy quan điểm của Kinh Dịch để hình thành Bát quái “Vũ trụ từ vô cực sinh Thái cực, Thái cực sinh Lưỡng nghi, Lưỡng nghi sinh Tứ tượng, Tứ tượng sinh Bát quái, Bát quái biến hóa vô cùng” được mô tả như sau:

Hình - Phác đồ Dịch Học định nghĩa

-         Vô cực: Vũ trụ lúc đầu hoang sơ, trống rỗng (không có gì), chưa phân cực, gọi là Vô cực.

-         Vũ trụ sinh Thái cực: Từ chỗ hư vô (không có Âm Dương mà là hình trạng hỗn độn), tức là Vũ trụ chuyển động dồn ép, lại sinh ra một luồng năng lượng, đó là Thái cực (hình 2 con cá đen trắng cuộn lấy nhau tượng trưng cho Âm Dương liên hoàn).

-         Thái cực sinh Lưỡng nghi: Mới đầu chỉ có Lưỡng nghi là Dương vạch liền (——) và Âm vạch đứt (— —).

-         Lưỡng nghi sinh Tứ tượng: Phần Dương, chúng ta lấy vạch Dương chồng lên Dương và sau lại lấy Âm chồng lên Dương ta được hai hình tượng 1 (Thái dương) và 2 (Thiếu âm). Phần Âm, cũng như vậy ta lấy Dương chồng lên Âm và sau lại lấy Âm chồng lên Âm thì sẽ được hai hình tượng nữa là 3 (Thiếu dương) và 4 (Thái âm). Như vậy được bốn tượng, gọi là Tứ tượng. Tứ tượng tượng trưng cho Nhật, Nguyệt, Tinh, Thần nghĩa là mặt trời, mặt trăng, định tinh và hành tinh (người xưa chưa biết mặt trăng là một vệ tinh của trái đất).

——              — —             ——           — —

——               ——             — —           — —

1                    2                    3                  4

Thái             Thiếu             Thiếu            Thái

Dương           Âm               Dương            Âm

 -         Tứ tượng sinh Bát quái: Sau khi có bốn Tứ tượng theo thứ tự 1, 2, 3, 4 rồi, ta cũng làm tương tự chồng các hào Dương và Âm theo thứ tự 1, 2, 3, 4. Phần Thái dương (1), chúng ta lấy vạch Dương chồng lên Thái dương và sau lại lấy Âm chồng lên Thái dương ta được hai quẻ Càn và Đoài. Phần Thiếu âm (2), chúng ta lấy vạch Dương chồng lên Thiếu âm và sau lại lấy Âm chồng lên Thiếu âm ta được hai quẻ Ly và Chấn. Phần Thiếu dương (3), chúng ta lấy vạch Dương chồng lên Thiếu dương và sau lại lấy Âm chồng lên Thiếu dương ta được hai quẻ Tốn và Khảm. Phần Thái âm (4), chúng ta lấy vạch Dương chồng lên Thái âm và sau lại lấy Âm chồng lên Thái âm ta được hai quẻ Cấn và Khôn. Như vậy được tất cả 8 hình gọi là Bát quái (8 quái) và trị số các quẻ tương ứng với số thứ tự sắp xếp quẻ. Đây cũng là tiền đề của sự hình thành Tiên thiên bát quái. Có 2 cách hiểu nguyên lý xếp quẻ viên đồ của Tiên thiên bát quái: Âm dương biến chuyển theo mặt số học Âm dương tiêu trưởng thăng giáng. Cách sắp xếp 8 quái này xếp theo hình tròn (viên đồ) sẽ biểu diễn đầy đủ hết tính Âm Dương và độ số của Tiên thiên bát quái. Mỗi quái có 3 hào như sau:         

 I                II             III              IV             V              VI              VII           VIII

☰              ☱            ☲              ☳             ☴              ☵               ☶             ☷

Càn        Đoài         Ly            Chấn         Tốn          Khảm           Cấn        Khôn

Hay nói cách khác đây chính là biểu đồ hình SIN. Ta nhận thấy vị trí các quẻ xếp theo hình tròn (viên đồ) có sự đối đãi nhau giữa Âm và Dương: Càn 3 vạch Dương đối diện là Khôn 3 vạch Âm; Đoài 2 vạch Dương đối diện là Cấn 2 vạch Âm; Ly 2 vạch Dương đối diện là Khảm 2 vạch Âm; Chấn 2 vạch Âm đối diện là Tốn 2 vạch Dương; Quẻ nhiều vạch Dương ở trên, quẻ nhiều vạch Âm ở dưới. Ngoài ra, tám quẻ còn nhiều ý nghĩa về người, mùa, phương hướng, màu sắc, loài vật v.v...    

-         Bát quái biến hóa vô cùng: Nếu ta xếp 8 quẻ này chồng lẫn lên nhau ta sẽ được  8 x 8 = 64 trùng quái, mỗi trùng quái có 2 quái với 6 hào, như vậy ta có tất cả 64 x 6 = 384 hào. Mỗi hào lại có lời chỉ dẫn tình trạng biến của tạo hóa. Vậy với 384 hào ta có thể nắm bắt mọi sự vật và hiện tượng của vũ trụ. Đó là cơ sở tính năm nhuận âm lịch (384 ngày). Về số học, đây là pháp bội số, tức là 1 x 2= 2 là Thái cực sinh ra Lưỡng nghi. Lưỡng nghi sinh Tứ tượng, đó chính là Lưỡng nghi x Lưỡng nghi, tức là 2 x 2= 4. Tứ tượng phân thành Bát quái tức là Lưỡng nghi x Tứ tượng, tức là 2 x 4= 8. Lại do 8 quẻ x 8 quẻ sẽ được 64 quẻ.

Kinh Dịch thật tài tình là ở chỗ này: Rõ ràng mới đầu chỉ có 2 vạch Âm Dương mà hiểu được mọi biến đổi của tạo hóa. Mức độ biến hóa vô cùng đó còn được Tiêu Diên Thọ có sáng kiến tiếp tục cho mỗi quẻ (trùng quái) biến thành 64 quẻ, như vậy 64x 64= 4096 quẻ; Tác giả không hiểu cách biến hóa đó ra sao (lại lấy 64 quẻ chồng lên nhau) ? Tuy nhiên cách đó cũng không ai theo vì số lượng quẻ quá nhiều, làm sao đặt tên quẻ giải thích cho hết được ? Ông còn lấy mỗi hào làm chủ một ngày: 64 quẻ có 384 hào, mà mỗi năm chỉ có 365 hay 366 ngày, còn non 20 hào nữa Ông dùng làm gì cũng không biết. 

Nói chung vật chất được hình thành từ không cho đến có, khi có thì tự nó sinh ra mặt đối lập với nhau và mang tính tương đối. Trong Âm Dương tồn tại 2 phép tính cơ bản đó là phép tịnh Âm tịnh Dương, và phép nhất Âm nhất Dương. Sự kết hợp này trong từng đối tượng, nhóm khác nhau mà tính tốt hay xấu đó cần đòi hỏi tính Âm Dương cũng khác nhau.

Ví dụ: Trong Lục Thập Hoa Giáp thì cần phép tịnh Âm tịnh Dương là Thiên Can Âm đi với Địa chi Âm, Thiên Can Dương đi với Địa chi Dương. Hoặc trong môn Tử vi thì Mệnh Dương nên đóng ở cung Dương, Mệnh Âm nên đóng ở cung Âm thì mới tốt. Hoặc trong quan hệ hôn nhân thì nam nên kết hợp với nữ; hoặc trong Phong thủy học thì Liên thành phái coi trọng Long Dương đặt Tọa Âm hay Bát trạch phái tránh mệnh cung Dương ở nhà Sơn Hướng Dương là phạm Cô Dương, mệnh cung Âm ở nhà Sơn Hướng Âm là phạm Cô Âm là xấu v.v...

Học thuyết Âm Dương là môn triết học cổ đại Phương đông nghiên cứu sự vận động, tồn tại và tiến hóa không ngừng của giới tự nhiên, động lực giúp Âm Dương vận hành có các tính chất sau:

 1. Âm Dương đối lập (chế ước và đấu tranh)

Âm Dương là hai hình thái đối lập, biểu hiện sự mâu thuẫn của mọi sự vật hiện tượng trong giới tự nhiên. Dương là thực thì Âm là hư, Dương là ngày thì Âm là đêm, Dương là động thì Âm là tĩnh, Dương là lẻ thì Âm là chẵn…

Tóm lại, Âm và Dương biểu hiện hai tính chất đối kháng của mỗi sự vật, hiện tượng mà Dương là những tính chất động, Âm là những tính chất tĩnh... Sự đối lập có nhiều mức độ:

-         Mức độ tương phản: Sống với Chết, Nóng với Lạnh.

-         Mức độ tương đối: Khỏe với Yếu, Ấm với Mát.

Do Âm Dương ở trạng thái đối lập, về mặt dụng pháp cần phải dựa vào những mức độ đối lập để có biện pháp thích hợp khi điều chỉnh Âm Dương và làm thay đổi trạng thái của Âm Dương như: Nhà Âm quá thịnh thì cần tìm hiểu nguyên nhân khiến Âm quá thịnh mà điều chỉnh cho Dương khí tăng lên, làm cho Âm Dương trở lại trạng thái cân bằng hoặc trong cuộc sống biểu dương tấm gương tốt làm người xấu noi theo v.v....

2. Âm Dương hỗ căn (Nương tựa để tồn tại)

Âm Dương tuy đối lập trong một chỉnh thể nhận thức sự vật nhưng lại nương tựa vào nhau gọi là Hỗ căn. Thể hiện tính thống nhất. Âm Dương phải dựa vào nhau mới cùng tồn tại được, mới có ý nghĩa. Âm là cơ sở để Dương phát triển. Dương là cơ sở để Âm phát triển. Dương bao bọc cho Âm, Âm giữ gìn cho Dương.

Hay nói cách khác, sự tồn tại của Dương làm cho sự tồn tại của Âm có ý nghĩa, sự tồn tại của Âm làm cho sự tồn tại của Dương sẽ chói lọi. Không có Âm thì Cô Dương vạn vật bất sinh (không thể sinh ra), Không có Dương thì Cô Âm vạn vật bất trưởng (không phát triển được). Cho nên “Âm có trong Dương, Dương có trong Âm” Âm Dương không tách biệt nhau mà thống nhất với nhau. Cả hai mặt đều là tích cực của một sự vật, không thể đơn độc phát sinh, phát triển.

Ví dụ: Có đồng hoá thì mới có dị hoá, không có đồng hoá thì dị hoá cũng không thực hiện được, có số âm mới có số dương, hứng phấn và ức chế đều là quá trình tích cực của hoạt động vỏ não.

3. Âm Dương tiêu trưởng (Vận động để chuyển hóa)

Tiêu là sự mất đi, trưởng là sự phát triển. Tiêu trưởng là nói lên sự vận động chuyển hóa không ngừng của sự vật hiện tượng trong giới tự nhiên, làm mất đi bản thể. Âm tiêu thì Dương trưởng, Dương tiêu thì Âm trưởng, cứ như vậy vận động không ngừng. Khi Dương thịnh đến cực độ thì chuyển sang Âm và ngược lại “Âm cực sinh Dương, Dương cực sinh Âm”.

Quá trình biến động thường theo một chu kỳ nhất định, như: Sáng và Tối trong một ngày; Bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông trong một năm. Quy luật này nói nên sự vận động không ngừng, sự chuyển hoá lẫn nhau giữa âm và dương.

Ví dụ 1: Chuyển hoá khí hậu 4 mùa: Quy luật này có các trạng thái của vận động, Âm tiêu Dương trưởng như lạnh giảm và nóng tăng; Dương tiêu Âm trưởng như nóng giảm và lạnh tăng; Dương cực sinh Âm và Âm cực sinh dương như hàn cực sinh nhiệt và nhiệt cực sinh hàn.

Ví dụ 2: Trong quá trình phát triển của bệnh tật: Bệnh thuộc phần Dương như sốt cao, có khi gây ảnh hưởng đến phần Âm như mất nước hoặc bệnh tại phần Âm như mất nước, điện giải, mất máu ảnh hưởng phần Dương như gây trụy mạch, hạ huyết áp, choáng gọi thoát dương.

Chú ý: Âm Dương ở đây là định tính, dùng để so sánh 2 thứ đối lập nhau, như cặp Bố- Con thì bố là Dương, Con là Âm theo sự thống nhất là tuổi đời, nhưng Con là Dương còn Bố là Âm theo sức khỏe, vì con khỏe hơn bố. Bố là Âm so với ông Nội là Dương theo tuổi đời, nhưng Bố là Dương so với ông nội là Âm theo sức khỏe, vì ông nội yếu hơn bố. Âm Dương có thể chuyển đổi cho nhau từ Âm sang Dương và từ Dương sang Âm là như vậy, nhưng chuyển đổi phải cùng thống nhất với nhau. Khi dùng lý Âm Dương phải có sự thống nhất giữa chúng, ví dụ Giàu- Nghèo là cặp Âm Dương theo sự thống nhất vật chất, Quân Tử- Tiểu Nhân là cặp Âm Dương theo sự thống nhất là nhân cách, chứ không được suy luận thành Giàu là Quân tử vì nó đều là Dương, Nghèo là Tiểu Nhân vì nó đều là Âm, bởi xét theo tương quan so sánh thì giữa Giàu và Quân tử không có điểm thống nhất.

4. Âm dương bình hành (Đối lập mà quân bình)

Hai mặt Âm và Dương tuy đối lập nhưng lại hỗ căn và luôn luôn chuyển hóa lập lại được thế cân bằng, quân bình giữa hai mặt, vì thế sinh ra vạn vật, là nguồn gốc của muôn loài. Đây là sự cân bằng động, chứ không phải cân bằng về mặt số học. Hiện tượng sinh ra, lớn lên và mất đi là sự vận chuyển của Âm Dương.

Sự tồn tại được là do sự sự quân bình của Âm Dương và sự tồn tại đồng thời của hai mặt đối lập. Vì vậy khi xét đến một sự vật hiện tượng trong giới tự nhiên nào đó, ta đều thấy sự hiện diện của cả Âm và Dương.

Ví dụ: Quá trình đồng hóa và quá trình dị hóa luôn đối lập nhau; Nhưng nương tựa vào nhau, chuyển hóa lẫn nhau và luôn giữ ở thế cân bằng thì cơ thể mới phát triển bình thường, không bị bệnh. Nếu đồng hóa quá mạnh thì sinh ra béo phì, nếu dị hóa quá mạnh thì sinh ra gầy còm (Basedow).

Trong Thái cực Đồ thuyết - Chu Liêm Khê viết: “Vô Cực nhi Thái Cực. Thái Cực động nhi sinh Dương; động cực nhi tĩnh, tĩnh nhi sinh Âm. Tĩnh cực phục động. Nhất động nhất tĩnh, hỗ vi kỳ căn. Phân Âm phân Dương, lưỡng nghi lập yên. Dương biến Âm hợp, nhi sinh thuỷ hoả mộc kim thổ, ngũ khí thuận bố, tứ thời hành yên. Ngũ hành nhất Âm Dương dã, Âm Dương nhất Thái Cực dã, Thái Cực bản Vô Cực dã. Ngũ hành chi sinh dã, các nhất kỳ tính. Vô Cực chi chân, nhị ngũ chi tinh, diệu hợp nhi ngưng. Càn đạo thành nam, Khôn đạo thành nữ. Nhị khí giao cảm, hoá sinh vạn vật. Vạn vật sinh sinh nhi biến hoá vô cùng yên. Duy nhân dã, đắc kỳ tú nhi tối linh. Hình ký sinh hĩ, thần phát tri hĩ. Ngũ tính cảm động nhi thiện ác phân, vạn sự xuất hĩ. Thánh nhân định chi dĩ trung chính nhân nghĩa, nhi chủ tĩnh, lập nhân cực yên. Cố thánh nhân dữ thiên địa hợp kỳ đức, nhật nguyệt hợp kỳ minh, tứ thời hợp kỳ tự, quỷ thần hợp kỳ cát hung. Quân tử tu chi cát, tiểu nhân bội chi hung. Cố viết: Lập thiên chi đạo, viết Âm dữ Dương. Lập địa chi đạo, viết nhu dữ cương. Lập nhân chi đạo, viết nhân dữ nghĩa. Hựu viết: Nguyên thuỷ phản chung, cố tri tử sinh chi thuyết. Đại tai Dịch dã, tư kỳ chí hĩ!”. Đại ý là: “Vô Cực cũng là Thái Cực. Thái Cực động thì sinh ra Dương; động tới cực điểm thì tĩnh; tĩnh thì sinh ra Âm. Tĩnh tới cực điểm thì trở lại động. Một động một tĩnh, làm căn bản cho nhau. Phân ra Âm và Dương, thì lưỡng nghi thành lập. Dương biến Âm hợp, thì sinh ra: thuỷ (nước), hoả (lửa), mộc (gỗ), kim (kim loại), thổ (đất). Ngũ khí (năm khí của ngũ hành) thuận hoà phân bố tạo ra sự vận hành của tứ thời (bốn mùa). Ngũ hành hợp nhất là Âm Dương. Âm Dương hợp nhất là Thái Cực. Thái Cực có gốc là Vô Cực. Ngũ hành được sinh ra, mỗi hành có một tính. Cái chân của Vô Cực và cái tinh của Âm Dương ngũ hành, diệu hợp thì ngưng tụ”.

Trong Kinh Dịch, Hệ từ viết : "Dịch hữu Thái cực, thị sinh lưỡng Nghi, lưỡng Nghi sinh Tứ tượng, Tứ tượng sinh Bát Quái". Trong câu cốt lõi mà bất kỳ người học Dịch nào cũng biết này rõ ràng chẳng hề có nhắc đến Ngũ Hành.

II. Học thuyết Ngũ Hành

Trong quá trình khí Âm Dương luân chuyển biến hóa mà tạo ra Ngũ hành. Thuyết Ngũ hành quan niệm thế giới được tạo nên bởi 5 loại vật chất cơ bản. Đó là Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ.

Hành ở đây không phải là vật chất cụ thể như cách hiểu đơn giản theo nghĩa đen trong tên gọi của chúng. Mà đúng hơn là cách quy ước của người Cổ đại để xem xét phân loại mối tương tác và quan hệ của vạn vật trong giới tự nhiên.

-         Kim: Biểu thị tính ánh kim, có tính cứng, thanh tĩnh màu trắng sáng.

-         Mộc: Biểu thị tính chất các loại hình cây cối, có tính sinh sôi, vươn lên, màu xanh.

-         Thủy: Biểu thị tính nước, hơi lạnh, có tính hàn lạnh, hướng xuống, màu đen.

-         Hỏa: Biểu thị tính của lửa, khí nóng, có tính nhiệt, hướng lên, màu đỏ. Lửa là một dạng năng lượng hơn là một loại vật chất, vì ta chỉ có thể nhìn thấy và cảm nhận được nó, chứ không bốc được nó.

-         Thổ: Biểu thị tính chất của đất, có tính tàng trữ, trưởng thành, hóa dục, màu vàng.

Năm hình của Ngũ hành không phải đều sinh trong một lần, có hình sinh trước, có hình sinh sau và Ngũ hành được hình thành qua hai giai đoạn: Tương sinh và Tương khắc.

1. Giai đoạn tương sinh:

Tương sinh có nghĩa là trợ giúp, ủng hộ, bồi bổ nhau, gồm có: Kim sinh Thủy, Thủy sinh Mộc, Mộc sinh Hỏa, Hỏa sinh Thổ, Thổ sinh Kim.

Vòng tương sinh là vòng liên hoàn: Kim sinh Thủy để Thủy sinh Mộc để Mộc sinh Hỏa để Hỏa sinh Thổ để Thổ sinh trở lại Kim. Đó là quá trình bồi bổ cho nhau, mà không ai mất, chỉ có sinh sôi mà không có diệt. Tuy nhiên nếu cứ sinh nhau mãi thì đến giới hạn nào đó sinh này trở nên quá mức và sẽ bị bùng nổ. Vì vậy phải có khắc chế bớt.

2. Giai đoạn tương khắc:

Tương khắc mô tả một hành có khả năng hạn chế, kiểm soát hay phá hủy toàn bộ sự phát triển của một hành khác, gồm có: Kim khắc Mộc, Thủy khắc Hỏa, Mộc khắc Thổ, Hỏa khắc Kim, Thổ khắc Thủy. Tuy khắc có thể phá hủy toàn bộ, nhưng có thể là nhẹ nhàng hơn, chẳng hạn như một người cản trở để người này không tiêu diệt một người khác hoặc nhẹ hơn nữa là có thể ngăn chặn sự tác động của người khác. Hoặc có khi khắc lại tốt, như một bà mẹ ngăn ngừa không cho con mình đi lang thang giữa đường phố, vì ở đó còn có những cái tồi tệ hơn đang chờ nó, đây là hành động bà mẹ răn đe con mình để con mình tốt lên.

a. Ngũ Hành tương thừa

Thừa: thừa thế lấn át hoặc sự khắc thái quá. Đó chính là cái mức độ chế ước thái quá, quá mức bình thường của quan hệ khắc chế lẫn nhau trong Ngũ hành.

Đó là hiện tượng khác thường trong sự biến hóa của sự vật. Khi đó Ngũ Hành bị khắc sẽ bị diệt, đặc điểm của Hành này sẽ mất đi. Khi Hành sinh quá mạnh thì gọi là mẹ khỏe lấn át con, cũng trở nên không tốt.

 b. Ngũ Hành tương vũ

Vũ: kinh nhờn hoặc sự khắc bất cập. Hành này không đủ khắc Hành kia thì dẫn tới tương vũ. Khi đó sẽ xảy ra hiện tượng khắc ngược, Hành đi khắc bị tổn thất.

Khi Hành đi sinh (mẹ) quá yếu, không sinh được, bị tiêu hao lực lượng, gọi là “mẹ yếu không sinh được con”.

 c. Ngũ Hành chế hóa

Khi một Hành quá mạnh, cần có sự chế hóa, mới trở nên hữu ích, nếu không sẽ gây họa. Chế hóa có thể dùng Hành khắc nó để chế Hóa hoặc cho “Xì hơi” sang Hành khác.

  Hình - Quan hệ sinh khắc Ngũ Hành

 Tổng kết về Sinh, Khắc, Chế, Hóa như sau:

·        Kim:

-         Kim sinh Thủy nhưng thủy nhiều thì Kim chìm, Kim tuy cứng nhưng cũng có thể bị Thủy dũa cùn.

-         Kim có thể khắc Mộc nhưng Mộc cứng thì Kim mẻ, Mộc yếu gặp Kim tất sẽ bị chặt đứt.

-         Kim nhờ Thổ sinh nhưng Thổ nhiều thì Kim bị vùi lấp, Thổ có thể sinh Kim nhưng Kim nhiều thì Thổ biến thành ít.

-         Thổ vượng sinh Kim làm cho Kim tướng là thái quá. Kim tướng lại có Hoả vượng khắc nên hết tướng thành vượng.

·        Hỏa:

-         Hỏa có thể sinh Thổ nhưng Thổ nhiều thì Hỏa ám; Hỏa mạnh gặp Thổ sẽ bị tắt.

-         Hỏa có thể khắc Kim nhưng Kim nhiều thì Hỏa tắt; Kim yếu gặp Hỏa tất sẽ nóng chảy.

-         Hỏa nhờ Mộc sinh, Mộc nhiều thì ngọn lửa mạnh, tuy Mộc có thể sinh Hỏa nhưng hỏa nhiều thì Mộc bị đốt cháy.

-         Mộc vượng sinh Hoả làm cho Hoả tướng, là trên vượng. Hoả liền gặp Thuỷ vượng khắc để bớt thái quá, Hỏa thành chỉ còn ở mức vượng mà thôi.

·        Thủy:

-         Thủy có thể sinh Mộc nhưng Mộc nhiều thì Thủy co lại, Thủy mạnh khi gặp Mộc thì khí của Thủy bị yếu đi.

-         Thủy có thể khắc Hỏa nhưng Hỏa nhiều thì Thủy khô, Hỏa nhược gặp Thủy tất bị dập tắt.

-         Thủy nhờ Kim sinh nhưng Kim nhiều thì Thủy đục, Kim có thể sinh Thủy nhưng Thủy nhiều thì Kim bị chùn xuống.

-         Kim vượng sinh Thuỷ làm cho Thuỷ tướng, là trên vượng (thái quá). Lại có Thổ khắc Thuỷ để bớt thái quá, giữ Thủy chỉ ở mức còn vượng.

·        Thổ:

-         Thổ có thể sinh Kim nhưng Kim nhiều thì Thổ trở thành ít, Thổ mạnh gặp Kim thì sẽ khống chế được thổ ùn thành đống.

-         Thổ có thể khắc Thủy nhưng Thủy nhiều thì Thổ bị trôi, Thủy nhược mà gặp Thổ tất sẽ bị chắn lại.

-         Hoả vượng sinh Thổ làm Thổ tướng, là trên vượng (thái quá), lại có Mộc vượng khắc Thổ để bớt thái quá, Thổ thành chỉ còn mức vượng.

·        Mộc:

-         Mộc có thể sinh Hỏa nhưng Hỏa nhiều thì Mộc bị đốt, Mộc mạnh gặp Hỏa thì Mộc trở thành yếu.

-         Mộc khắc Thổ nhưng Thổ nhiều thì Mộc bị lấn át, Thổ yếu gặp Mộc thì sẽ trở thành khô cằn nứt nẻ.

-         Mộc nhờ Thủy sinh nhưng thủy nhiều thì Mộc bị trôi dạt, Thủy có thể sinh Mộc nhưng Nộc nhiều thì Thủy bị co lại.

-         Kim vượng sinh Thuỷ làm cho Thuỷ vượng. Thuỷ vượng sinh cho Mộc làm Mộc vượng tướng (tức là trên cả vượng); Thế là Mộc bị thái quá. Đến đây có Kim khắc bớt Mộc làm cho Mộc trở về vượng mà không bị tướng nữa.

3. Ngũ hành trong vạn vật

Sự phối hợp Ngũ hành với vạn vật từ vô hình tới hữu hình thường cũng chỉ là sự phối hợp về khí hóa.

 Bảng - Sự phối hợp Ngũ hành với vạn vật 

Ngũ hành

Thủy

Hỏa

Mộc

Kim

Thổ

Ngũ âm

Tiếng nhỏ nà thấp

Chủy

Tiếng êm mà rõ rang

Giốc

Tiếng dài mà hòa bình

Thương

Tiếng trong mà vang xa

Cung

Tiếng lớn mà điều hòa

Ngũ sắc

Đen

Đỏ

Xanh

Trắng

Vàng

Ngũ vị

Mặn

Đắng

Chua

Cay

Ngọt

Ngũ xú

Thối

Hôi

Khét

Tanh

Thơm

Ngũ chí

Kinh sợ

Vui mừng

Giận

Ưu tư

Buồn

Ngũ khí

Hàn

Nhiệt

Phong

Táo

Thấp

Phương hướng

Bắc

Nam

Đông

Tây

Trung ương

Thiên can

Nhâm, Quý

Bính, Đinh

Giáp, Ất

Canh, Tân

Mậu, Kỷ

Địa chi

Tý, Hợi

Tị, Ngọ

Dần, Mão

Thân, Dậu

Thìn, Tuất, Sửu, Mùi

Thời tiết

Đông

Hạ

Xuân

Thu

18 ngày cuối mỗi mùa

Tạng

Thận

Tâm

Can

Phế

Tỳ

Phủ

Bang quang

Tiểu đường

Đởm

Đại tràng

Vị

Ngũ thể

Cốt tủy

Mạch

Cân

Da lông

Cơ nhục

Ngũ quan

Tai

Lưỡi

Mắt

Mũi

Miệng

- Đăng bởi: Phương Đông Huyền Bí
Tử Bình chân thuyên xuất bản năm 20 thời Dân quốc là 44 phần, Phương Trọng Thẩm và Từ Lạc Ngô điều chỉnh thành 47 phần, bổ sung thêm so sánh sự khác biệt là thành 54 phần. Bổ sung rõ nét nhất là thiên can nghi kỵ trong Trích thiên tuỷ và luận về ngũ hành tứ thời.
BÀI VIẾT NỔI BẬT
Lá số tử vi cũng giống như là một tấm bản đồ, nếu như chúng ta biết trước thì chúng ta có thể dự đoán trước được số mệnh, vận hạn trong đời, phúc họa ra sao, để có những cách ứng xử phù hợp với cuộc sống, từ đó phát huy tối đa sở trường, hạn chế nhược điểm.
Các Thầy sẽ xem trực tiếp qua Zoom cho các bạn 1 vấn đề mà bạn quan tâm nhất Miễn Phí vào các ngày thứ 2, thứ 7 và chủ nhất hàng Tuần.
Khi được lựa chọn sim phong thủy một cách cặn kẽ và cẩn thận từ các chuyên gia có kinh nghiệm, các số trong quá trình sử dụng sẽ phát huy tối đa năng lượng tốt của nó, đáp ứng yêu cầu của người sử dụng. Thông qua tổ hợp và sắp xếp Số để đạt hiệu quả cải thiện, tài vận, hôn nhân, sự nghiệp khỏe mạnh cũng như quan vận, quý nhân vận, mang lại may mắn hanh thông cho người sử dụng.
Ứng dụng nền tảng của Cổ học Phương Đông đưa ra thuật toán công nghệ làm các sản phẩm phần mềm giải đoán tự động luận giải như 1 người Thầy. Thay vì tự mình tra cứu sách để giải đoán sự việc thì ứng dụng đã tổng hợp từ nhiều nguồn tư liệu kinh điển và những kiến thức được Truyền thừa từ các Đại sư phụ/ Sư phụ của các trường phái khác nhau, ngôn ngữ theo phong cách hiện đại dễ hiểu.
Công ty Chúng tôi rất mong muốn xây dựng và phát triển đội ngũ Đại lý để cùng chung sức, chung lòng với Tập thể lãnh đạo, công nhân viên Công ty Cổ Phần Phương Đông Huyền Bí Group để phát triển thị trường này nhằm mang đến cho Khách hàng các sản phẩm rất tuyệt vời về các môn Huyền Học Phương Đông đã được truyền thừa và ứng dụng từ rất xa xưa đến nay.