I. Nguồn Gốc và Sự Hình Thành Của Hà Đồ
1. Nguồn gốc
Hà đồ theo truyền thuyết vào thời Phục Hy (4477- 4363 trước CN), Long mã xuất hiện trên sông Hoàng Hà, trên lưng có 55 vết điểm đen và trắng. Tương truyền hình này ông phỏng theo hình họa trên lưng con Long mã do ông nhìn thấy mà vẽ ra, liền theo đó thiết lập Hà đồ.
2. Phương vị các số
a) Số của Hà đồ
Nhìn trong Hà đồ có 10 số: 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10. Tổng cộng các số của Hà đồ bằng 55.
Năm số lẻ 1, 3, 5, 7, 9 gọi là Cơ thuộc dương (là Thiên số hay số Trời), được biểu tượng bằng những chấm trắng, tổng số các số trời bằng 25.
Năm số chẵn 2, 4, 6, 8, 10 gọi là Ngẫu thuộc âm (là Địa số hay số Đất), được biểu tượng bằng những chấm đen, tổng các số đất bằng 30.
b) Cách sắp đặt các số
Sự xếp đặt 5 cặp số của Hà đồ, cứ một số trời hợp với một số đất như: 1 với 6 ở dưới, 2 với 7 ở trên, 3 với 8 ở bên trái, 4 với 9 ở bên phải, 5 với 10 ở trung cung.
c) Ngũ hành trong Hà đồ
Số 5 là số Trời (là số diễn mẫu) = 2+3 do 2 (là số Đất) cộng 3 (là số Trời) mà thành, nên hàm ý bao cả Trời Đất, tượng trưng cho Thái cực nằm ở trung ương. Cũng từ số 5 này cổ nhân dùng Ngũ hành để giải thích mọi sự vận động, biến hóa của vạn vật trong trời đất và con người. Số sinh là số chủ ở vòng trong, số thành là số hợp ở vòng ngoài. Các số 1, 2, 3, 4, 5 là số sinh; các số 6, 7, 8, 9, 10 là số thành. Các số thành là do số 5 cộng với các số Sinh tương ứng các nhóm mà ra, như: 5+1=6, 5+2=7, 5+3=8, 5+4=9, 5+5=10. Như vậy các số thành từ tâm mà ra. Vì vậy quan hệ sinh thành của các số Hà đồ được nêu như sau:
Thiên nhất sinh Thủy, Địa lục thành chi;
Địa nhị sinh Hỏa, Thiên thất thành chi;
Thiên tam sinh Mộc, Địa bát thành chi;
Địa tứ sinh Kim, Thiên cửu thành chi;
Thiên ngũ sinh Thổ, Địa thập thành chi.
Nghĩa là:
- Số 1 và 6 là số sinh thành của Thủy;
- Số 2 và 7 là số sinh thành của Hỏa;
- Số 3 và 8 là số sinh thành của Mộc;
- Số 4 và 9 là số sinh thành của Kim;
- Số 5 và 10 là số sinh thành của Thổ.
Thủy ở phía Bắc, nhưng nằm ở phía dưới vì hình tính nó mềm nhuận nên thấm xuống.
Hỏa ở phía Nam, nhưng nằm ở trên vì hình tính nó hun bốc nên bốc lên trên.
Thủy ở dưới Hỏa ở trên thì Mộc và Kim phải chiếm 2 chỗ trái phải, để ứng với 2 phương Đông và Tây.
Thổ ở Trung ương ngôi của Thái cực vì đức của nó lớn chở đỡ muôn vật, bao dung cả 4 hành kia. Bốn hành còn lại ứng với Tứ tượng và ở vòng ngoài Thái cực.
Lấy Trời Đất phối hợp với Ngũ phương, dùng Âm Dương phối hợp với Ngũ Hành ta có:
- Số 1 và 6 ở phương Bắc mang hành Thủy;
- Số 2 và 7 ở phương Nam mang hành Hỏa;
- Số 3 và 8 ở phương Đông mang hành Mộc;
- Số 4 và 9 ở phương Tây mang hành Kim;
- Số 5 và 10 ở giữa mang hành Thổ.
Số 9 là số thành dương lớn nhất trong 5 số thành, do đó số 9 gọi là Lão dương hay dương cửu, nên hào dương trong quẻ Dịch gọi là hào Cửu. Số 6 là số âm nhỏ trong 5 số thành, do đó số 6 gọi là Lão âm, trong quẻ Dịch gọi là Hào Lục.
3. Thứ tự vận hành
Tầm quan trọng của Hà đồ đối với các môn Lý số như thế nào mà bất kỳ môn về Lý số nào đều nói đến Hà đồ như vậy ?
Hà đồ được coi là vũ trụ thu nhỏ, có 4 phương, gồm 5 nhóm số. Nhóm 5- 10 nằm ở trung tâm; nhóm 1- 6 nằm ở phương Bắc; nhóm 2- 7 nằm ở phương Nam; nhóm 3- 8 nằm ở phương Đông và nhóm 4- 9 nằm ở phương Tây. Trong các nhóm này số lớn trừ đi số nhỏ đều bằng 5. Hà đồ là bức đồ đầu tiên của Kinh Dịch, sự vận hành của nó theo chiều tương sinh của Ngũ hành.
Sự hóa sinh trước hết có chia ra Âm Dương, đã có Thiên nhất là Dương Thủy (số 1) thì có Địa nhị là Âm Hỏa nên số Hỏa là số 2 (là số bắt đầu của Âm). Âm Dương đã hợp lại thì có phát sinh, Thủy khí sinh Mộc cho nên tiếp nối Mộc là số 3 (là số lẻ, là Dương). Đã có phát sinh thì có thu sát, táo khí sinh Kim cho nên tiếp đó là Kim, Kim là số 4 (là số chẵn, là Âm). Thổ không thiên lệch, mà bao trùm cả 4 phương, Thổ vượng ở cung giữa, 5 là số ở giữa cho nên Thổ nói là số 5 (là số diễn mẫu). Đó là số sinh của Ngũ hành. Nhưng đã có sinh thì có thành, sinh bắt đầu bởi Dương khí thì thành bắt đầu bởi Âm khí và ngược lại. Âm Dương phối hợp với nhau mà có công dụng Sinh Thành.
Như vậy, bắt đầu từ Bắc tới Đông vì Thủy sinh Mộc, qua Nam vì Mộc sinh Hỏa, vào Trung ương vì Hỏa sinh Thổ, đi sang Tây vì Thổ sinh Kim, trở về Bắc vì Kim sinh Thủy. Hay nói cách khác thì thứ tự vận hành của Hà đồ chính là sự tuần hoàn của thời tiết: Hết Đông sang đến Xuân, Xuân rồi đến Hạ, Hạ rồi đến Trưởng Hạ, Trưởng Hạ rồi đến Thu, Thu rồi lại đông, thời gian cứ thế mà trôi đi mãi hết năm này qua năm khác.
Hà đồ nói về sự vận hành của Ngũ hành theo chiều tương sinh. Tuy nhiên nếu cứ sinh nhau mãi thì đến giới hạn nào đó sinh này trở nên quá mức và sẽ bị bùng nổ. Vì vậy đã có sinh thì phải có khắc để khắc chế bớt.
II. Nguồn Gốc và Sự Hình Thành Của Lạc Thư
1. Nguồn gốc
Tương truyền vào đời nhà Hạ (2205- 2167 trước CN), trong khi trị thủy ở sông Lạc Thủy, có một thần quy xuất hiện. Trên mai rùa có các chấm vòng tròn màu sắc khác nhau: Phần đầu có 9 chấm sắc tím, phần đuôi có 1 chấm sắc trắng, phía trước bên trái có 2 chấm sắc đen, phía sau bên trái có 6 chấm trắng, phía sau bên phải có 8 chấm sắc trắng, phía bụng trái có 7 chấm đỏ, phía bụng phải có 3 chấm sắc xanh ngọc, phần giữa lưng có 5 chấm sắc vàng, phần bụng có 10 chấm sắc vàng.
2. Phương vị các số
a) Số của Lạc thư
Nhìn trong Lạc thư hình 1.4 có 9 số: 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9. Tổng cộng các số của Hà đồ bằng 45.
Năm số lẻ 1, 3, 5, 7, 9 là số Trời hay Dương số, được biểu tượng bằng những chấm trắng, tổng số các số lẻ bằng 25.
Năm số chẵn 2, 4, 6, 8, 10 là số Đất hay Âm số, được biểu tượng bằng những chấm đen, tổng các số chãn bằng 20.
b) Cách sắp đặt các số
Lạc thư do thần quy mang trên lưng, nên có tượng con rùa: Đầu đội 9, chân đạp 1, bên trái mu mang 3, bên phải mu mang 7, vai bên trái mang 4, vai bên phải mang 2, chân trái mang 8, chân phải mang 6, số 5 ở giữa mu (lưng) tượng trưng cho Thái cực.
c) Đặc điểm của Lạc thư
Dựa theo hình của Lạc thư, ta xếp các số đó vào một hình vuông:
- Các số lẻ trừ số 5 ở giữa, còn 4 số kia nằm ở giữa 4 cạnh của hình vuông.
- Các số chẵn nằm ở 4 góc của hình vuông.
- Ta có thể cộng theo chiều ngang, dọc hay theo đường chéo cũng đều được số 15. Vì vậy thường gọi Bản đồ cửu tinh được coi là quả đất thu nhỏ, gồm có chín con số, tương ứng với 9 hành tinh của hệ Mặt trời, nên Phương Tây gọi là Ma phương, vì nó rất kỳ lạ.
d) Ngũ hành trong Hà đồ
- Số 1, 6 sinh thành Thủy;
- Số 2, 7 sinh thành Hỏa;
- Số 3, 8 sinh thành Mộc;
- Số 4, 9 sinh thành Kim;
- Số 5 sinh Thổ nằm ở giữa.
Đặc biệt các con số vòng ngoài bao lấy số 5, nếu cộng theo chiều ngang, chiều dọc, hay theo đường chéo đi qua số 5 đều bằng 10 là số thành của Đất.
3. Thứ tự vận hành
a) Sự vận hành của dương số và âm số
Lấy trên là Nam, dưới là Bắc, bên phải là Tây, bên trái là Đông.
- Số dương khởi từ Bắc, qua Đông, vào giữa, tiến Tây, lên Nam.
- Số âm khởi từ Tây nam, qua Đông nam, xuống Tây bắc, tiến Đông bắc.
Ta nhận thấy dương số đi từ dưới lên trên, từ trái qua phải, âm số đi từ trên xuống dưới, từ trái qua phải. Đó là dương thăng âm giáng và dương theo chiều thuận và âm theo chiều nghịch.
b) Sự vận hành của Lạc thư theo Ngũ hành tương khắc
Hà đồ vận hành theo Ngũ hành tương sinh vì tượng cho cái Thể (hệ cơ sở) lúc ban đầu (Tiên thiên) của Dịch. Lạc thư được ứng dụng rất nhiều như chúng ta sẽ biết sau, đó là cái Dụng (hệ vận động) của Dịch, hình tượng cho giai đoạn Hậu thiên (nghĩa là đã được hình được hình thành). Trong thuyết về Ngũ hành đã nói rõ, Âm Dương có hòa, Ngũ hành có bình. Để giữ sự quân bình trong sự sinh hóa của vạn vật, nên trong sự vận hành của nó đã có sinh thì phải có khắc. Do đó sự vận hành của Lạc thư theo Ngũ hành tương khắc. Với định luật “tương phản, tương thành” của Âm Dương, Ngũ Hành. So với Ngũ hành trong Hà đồ thì Ngũ hành trong Lạc thư có sự chuyển chỗ của nhóm số ở Nam (Hỏa 2,7) sang Tây và nhóm ở Tây (Kim 4,9) sang Nam. Ở Lạc thư Ngũ hành tương khắc và đi nghịch: Khởi từ Thủy, qua đến Hỏa (vì Thủy khắc Hỏa), lên Kim (vì Hỏa khắc Kim), đến Mộc (vì Kim khắc Mộc), vào Thổ (vì Mộc khắc Thổ), rồi lại trở về Thủy (vì Thổ khắc Thủy). Như vậy Hỏa và Kim đổi vị cho nhau thành tương khắc.